𝐂𝐇𝐀̂́𝐓 𝐂𝐀̉𝐌 𝐂𝐔̉𝐀 𝐕𝐀̣̂𝐓 𝐋𝐈𝐄̣̂𝐔- 𝐊𝐄̂́𝐓 𝐍𝐎̂́𝐈 𝐂𝐀̉𝐌 𝐗𝐔́𝐂 𝐊𝐇𝐎̂𝐍𝐆 𝐆𝐈𝐀𝐍 𝐒𝐎̂́𝐍𝐆

Vật liệu song hành cùng kiến trúc từ rất sớm và đóng vai trò ngày càng quan trọng theo tiến trình phát triển của kiến trúc. Từ những công trình xây dựng đầu tiên trong lịch sử, vật liệu chỉ đảm nhận chức năng đơn giản, như là thành phần chủ yếu của các cấu kiện chịu lực, sau đó có thêm tác dụng trang trí nội ngoại thất, và sự khai thác đặc tính vật lý biểu hiện của vật liệu. Với tiến bộ của công nghệ và kỹ thuật, vật liệu trở thành một ngành khoa học độc lập và có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều lĩnh vực khác, trong đó có kiến trúc. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tăng tốc, khoa học vật liệu hứa hẹn có những bước tiến vượt bậc và kiến trúc thế giới cũng sẽ bước sang những trang mới.

 

1. Chất cảm của đá

Đá là một vật liệu tùy biến tuyệt vời trong kiến trúc. Từ hàng ngàn năm nay, đá được sử dụng như một vật liệu xây dựng chủ đạo của con người với hàng trăm cách biến tấu, tạo nên những kiệt tác độc đáo và ấn tượng. Truyền tải sự kỳ vỹ của thiên nhiên qua vân đá, màu sắc cũng như trọng lượng riêng lớn của mình, đá luôn mang lại sự sang trọng, cảm giác vững chắc khi hiện diện trong không gian nội thất. Vì vậy, một trong những giải pháp phổ biến trong các không gian có tính chất bộ mặt của ngôi nhà (như phòng khách phòng ăn) thường là đá tự nhiên. Ở một góc độ khác, vật liệu này thường gây cảm giác “lạnh”, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nên khi sử dụng trong nhà ở chỉ nên bố trí ở những không gian công cộng hoặc nhà tắm với liều lượng hợp lý, nên hạn chế bố trí đá xẻ trong phòng ngủ.

 

3. Chất cảm của bê tông

Không đậm chất cổ điển như gạch và đá, bê tông có phần hiện đại hơn. Ra đời muộn hơn, bê tông khẳng định vị trí của mình bằng khả năng tạo hình không giới hạn. Chịu lực tốt, đơn sắc và vững chãi, bê tông thể hiện sự thô mộc đầy cá tính.

  Bằng chính sự thô mộc và không giới hạn ấy của mình, bê tông khiến cho không gian trở nên tối giản mà sang trọng, mộc mạc mà thần thái, không nhiều màu sắc nhưng sức gợi hình, gợi cảm không thua kém bất kỳ loại vật liệu đa sắc nào. Sử dụng bê tông trong kiến trúc nội thất có thể xem như một cách để hồi tưởng và ngợi ca về cái đẹp căn cốt nhất, bản chất nhất của vật liệu.

Ở Việt Nam, bê tông trần vẫn là mới mẻ. Xu hướng sử dụng loại vật liệu này đang là tín hiệu tích cực, sẽ đem lại sự đa dạng trong các công trình kiến trúc và góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật trong cả thiết kế và thi công.


 

3. Chất cảm của gỗ
Nói đến gỗ, người ta nghĩ ngay đến cảm giác thô mộc, ấm cúng. Không chỉ tham gia vào cấu trúc ngôi nhà, gỗ còn là vật liệu quan trọng cấu thành nên không gian nội thất. Không quá kén chọn vị trí xuất hiện, gỗ có thể sử dụng ở khắp nơi trong không gian: Sàn, tường, trần, đồ đạc,…Dù bóng bẩy, mịn màng hay gồ ghề, thô ráp, với những đường vân thanh thoát, dù nhân tạo hay tự nhiên, gỗ vẫn là vật liệu thiên thần giúp các kiến trúc sư thỏa sức sáng tạo. Nếu gỗ màu trầm toát lên vẻ uy nghi, hoài cổ, vương giả thì gỗ màu nhạt lại mang cảm xúc của sự hiện đại, thanh lịch và trang nhã.

Ngày nay, việc sử dụng gỗ trở nên có trách nhiệm hơn, gỗ công nghiệp đã được tạo ra nhằm tận dụng được nhiều hơn giá trị kinh tế. Các loại gỗ dán, MDF, HDF, veneer với các bề mặt tái tạo vẻ đẹp của gỗ tự nhiên nhưng có khả năng chống co ngót, cong vênh, rạn nứt, ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong kiến trúc nói chung và trong nội thất nhà ở nói riêng. Không có nhiều giới hạn về vị trí khi sử dụng gỗ trong nhà ở, ngay cả các khu vệ sinh cũng có các loại gỗ tự nhiên và công nghiệp phù hợp. Tuy nhiên, nếu lạm dụng gỗ ở quá nhiều các bề mặt, đặc biệt là tường và trần sẽ làm giảm sự quý hiếm của gỗ cũng như gây cảm giác bức bối chật hẹp. Cần điểm xuyết một cách tinh tế để gỗ phát huy được vẻ đẹp và cảm xúc một cách tối ưu.


 

4. Chất cảm của kim loại
Trong kiến trúc hiện đại, kim loại có một vai trò thiết yếu. Bỏ qua các yếu tố về xây dựng, kim loại chủ yếu xuất hiện dưới dạng các đồ nội thất được gia công tinh xảo mang màu sắc sang trọng, quý phái, đậm chất hoàng gia như vàng đồng, cà phê hay trắng bạc. Không xuất hiện trong hình dạng mảng hay khối lớn như các vật liệu khác, kim loại thường được chế tác ở dạng thanh, mạng hay các họa tiết với kỹ thuật rèn, đúc, dập công phu, nhấn nhá nhẹ nhàng ở các vị trí: lan can, cầu thang, cổng, chạm khắc trên các đồ nội thất, khóa cửa, ... như một nét chấm phá đẳng cấp trong kiến trúc tổng thể của 1 ngôi nhà. Loại vật liệu này có sức mạnh tạo điểm nhấn, sự duyên dáng, mềm mại và làm bừng sáng không gian, mang đến cảm giác quyền quý, hoàng gia với kim loại màu vàng/đồng, cảm giác hiện đại, thanh thoát và sang trọng hút hồn với kim loại màu trắng bạc.

Kết luận: 

Thông qua những xúc cảm và trải nghiệm cá nhân, chúng tôi mong muốn nhắc lại một cách tiếp cận khi sáng tạo, tổ chức không gian, đặc biệt là không gian trong nhà ở thì vật liệu luôn là một phương tiện hàng đầu, các chất cảm và sự phối hợp chúng với nhau có tính chất quyết định tạo nên tinh thần hay cái “không khí” cần đạt được của một không gian.

Hy vọng dbhome được đồng hành cùng quý vị sáng tạo không gian!

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.